Nhu cầu ngày càng lớn về công nghệ
Genevieve Bell, Trưởng nhóm phân tích cách con người tương tác với công nghệ của Intel, đã đi đến nhiều quốc gia khác nhau để tìm hiểu về việc sử dụng công nghệ trên xe hơi. Bell cho biết, những phương tiện giao thông, đặc biệt là xe hơi đã trở thành một nơi sử dụng những thiết bị cá nhân lý tưởng đối với nhiều người. Những hình ảnh mà Bell chụp được đều cho thấy trong xe hơi có rất nhiều thiết bị phục vụ cho cuộc sống kỹ thuật số của con người.
Thực tế, không chỉ có xe hơi, mà ngay cả ở nhà, hay những nơi công cộng như sân vận động, thậm chí trên máy bay, đều có rất nhiều thiết bị kết nối Internet. Cisco, một công ty IT lớn ước tính, sẽ có gần 15 tỷ thiết bị kết nối Internet vào năm 2015, tăng 7,5 tỷ so với năm 2010, bao gồm từ TV, máy chơi game tới máy pha cà phê.
Mô hình kết nối ở mọi nơi
Điều này đã khiến những nhà nghiên cứu như Bell tin tưởng rằng “ubiquitous computing” hay “ubicomp” sẽ không còn là khoa học viễn tưởng. Trong loạt bài viết trong những năm 1990, Mark Weiser, chuyên gia công nghệ của Trung tâm nghiên cứu Xerox tại Palo Alto (Xerox PARC) đã đưa ra tầm nhìn về một thế giới mà trong đó các thiết bị kết nối với nhau ở khắp mọi nơi nhưng tất cả dường như vô hình. Không giống với mô hình một người chỉ sử dụng được một thiết bị tại một thời điểm như hiện nay, trong mô hình “ubicomp”, một người sẽ sử dụng nhiều thiết bị cùng một lúc trong những hoạt động hàng ngày của họ, thậm chí họ không có ý thức về việc mình đang sử dụng những thiết bị đó. Vì vậy, đây có thể gọi là công nghệ “ẩn” đằng sau cuộc sống của con người.
Tuy nhiên, hiện nay, riêng việc khiến cho các thiết bị hoạt động cùng nhau đã không phải là điều dễ dàng. Mặc dù kết nối băng thông rộng không dây đang được sử dụng khá phổ biến, nhưng vẫn còn chắp vá. Tất cả những điều kiện này vẫn còn khác xa so với cảnh tương tác “mượt mà” giữa con người và các thiết bị kết nối được mô tả trong các bộ phim khoa học viễn tưởng.
Bell thừa nhận, cơ sở hạ tầng của công nghệ máy tính vẫn còn rất “bừa bộn” nhưng vẫn không thể quên đi thực tế là nó đang ngày càng trở lên dễ tiếp cận hơn. Bo Begole, một chuyên gia “ubicomp” tại Xerox PARC đồng quan điểm: “Chúng ta đã có một lượng lớn thiết bị và mạng không dây. Bước tiếp theo là khiến cho các thiết bị nhận thức được cách thức làm việc và thích ứng được các thói quen của con người”.
Nếu có một vùng nào trên thế giới, nơi mà công nghệ cá nhân đang trên đường hướng tới mô hình kết nối mọi nơi, thì đó sẽ là châu Á, nơi mà một số quốc gia giàu có hơn đã và đang tạo ra nhiều cơ sở hạ tầng rất ấn tượng cho các loại công nghệ cá nhân.
Ví dụ, Hàn Quốc đang có mục tiêu mỗi hộ gia đình đều có kết nối Internet, với tốc độ lên đến 1 gigabit/giây (đủ nhanh để tải về một bộ phim dài trong vài giây). Nước này cũng có ý định cải tiến mạng không dây băng thông rộng. Singapore đề ra mục tiêu tạo ra một cơ sở hạ tầng băng thông rộng siêu nhanh và xem đây là nền tảng cho nhiều dịch vụ số mới để cung cấp cho người dân. Những dịch vụ này bao gồm “y học từ xa”, cho phép các bác sĩ theo dõi sức khỏe bệnh nhân từ xa bằng cách sử dụng các thiết bị được lắp đặt tại nhà của bệnh nhân, các dịch vụ chat video chất lượng cao để người Singapore có thể giữ liên lạc với người thân, bạn bè và đồng nghiệp một cách tối ưu và gần gũi nhất. Công ty nghiên cứu thị trường Canalys cho biết, gần 2/3 số điện thoại được bán tại Singapore năm 2010 là smartphone. Ở Nhật Bản hiện có rất nhiều người sử dụng chip NFC (công nghệ giao tiếp tầm ngắn) như là một ví di động để thanh toán. Mỹ, Anh và nhiều quốc gia khác cũng đang thử nghiệm với nhiều công nghệ thanh toán di động khác nhau, bao gồm cả điện thoại có chip NFC.
Công ty hàng đầu về phát triển các sản phẩm di động và công nghệ cá nhân Jawbone, đã tạo ra một vòng tay, Jawbone UP. Đây là vòng đeo tay đặc biệt kết hợp với một ứng dụng trên iPhone giúp theo dõi từng chuyển động của bạn, từ giấc ngủ đến thói quen ăn uống để giúp bạn có những lựa chọn phù hợp nhất cho sức khỏe của mình.
Hosain Rahman, Giám đốc công ty hàng đầu về phát triển các sản phẩm di động và công nghệ cá nhân Jawbone, dự đoán rằng, nhiều thiết bị như Jawbone UP có thể tạo ra một tương lai “kết nối ở mọi nơi”, nơi mà mọi thứ từ áo sơ mi tới đồ trang sức đều được gắn vi xử lý và máy cảm biến và đều được kết nối trong một mạng cơ thể “body-area network”.
Phạm Khánh
Theo Economist
Bài đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 138 ra ngày 18/11/2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét