Thứ Sáu, 18 tháng 6, 2010

Kho báu nghìn tỷ USD và nguy cơ leo thang xung đột

Với việc Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) thông báo vừa phát hiện các mỏ khoáng sản khổng lồ ở Afghanistan, trị giá tới 1.000 tỷ USD, chính quyền và người dân Afghanistan đã cảm thấy nức lòng. Tuy nhiên, theo giới phân tích, các nhà lãnh đạo Afghanistan và thế giới cần thận trọng bởi kho báu mới phát hiện có thể dẫn tới một cuộc xung đột trầm trọng hơn.

Hiện tượng “kim cương máu” - các mỏ kim cương được khai thác tại những khu vực có chiến sự ở châu Phi thường được dùng để tài trợ cho các nhóm nổi dậy hoặc thế lực độc tài trong khu vực – đã được nhiều người biết đến. Và những ví dụ về việc tài nguyên khoáng sản bị sử dụng sai mục đích không thiếu. Afghanistan có thể không có mỏ kim cương, nhưng nước này có những nhóm nổi dậy, có nhiều thế lực độc tài quân sự; và nhiều nguồn tài nguyên ở nước này hiện đã là nguyên nhân của các cuộc xung đột ở nhiều nơi khác trên thế giới.


Dưới lòng đất Afghanistan là những mỏ  khoáng sản trị giá hàng nghìn tỷ USD
Dưới lòng đất Afghanistan là những mỏ khoáng sản trị giá hàng nghìn tỷ USD...


Không phải tìm đâu xa, tại Ấn Độ, một quốc gia khá gần Afghanistan, đang sa vào một cuộc xung đột mà lý do một phần bắt nguồn từ tài nguyên. Tại Ấn Độ, một cuộc chiến giấu mặt chống lại chính phủ đang tàn phá bang miền trung Chhattisgarh. Gốc rễ của cuộc xung đột này mang tính chính trị và xã hội. Những kẻ nổi dậy, không có dấu hiệu từ bỏ cuộc chiến chống lại cái mà họ cho là một hệ thống tư bản chủ nghĩa dựa trên đẳng cấp, bất bình đẳng. Năm 2006, Chính phủ Ấn Độ tăng cường trấn áp nhóm nổi dậy, một phần còn bởi những gì nằm bên dưới những khu rừng ở Nam Chhattisgarh - một trong những vùng có trữ lượng sắt, than, bauxite và than đá lớn nhất nước này.


Mặc dù cuộc chiến này có thể không được nhiều người biết đến, nhưng nó không phải là một vấn đề đáng bỏ qua. Ước tính lực lượng nổi dậy có khoảng 4.500 tay súng và họ được sự ủng hộ của một nửa dân số địa phương. Cuộc chiến đã khiến hơn 50.000 người buộc phải sơ tán, 2/3 diện tích rừng chính phủ không thể tiếp cận và nhiều nơi không có cảnh sát và bác sĩ. Phe nổi dậy đã thành lập các “tòa án nhân dân” để trừng phạt và xử tử những người họ cho là tư bản và những kẻ ăn theo.


... nhưng Afghanistan cũng là nơi có hàng chục nghìn phiến  quân khát tiền và quyền
... nhưng Afghanistan cũng là nơi có hàng chục nghìn phiến quân khát tiền và quyền

Có thể Ấn Độ không phải là một ví dụ tốt, bởi đây là một quốc gia lớn hơn nhiều và chỉ một phần nhỏ của nước này rơi vào xung đột. Một ví dụ tốt hơn là các cuộc xung đột triền miên ở những nơi như Cộng hòa Dân chủ Congo, Angola, Sudan và Ruwanda. Dù không mong muốn, có thể Afghanistan sẽ rơi vào danh sách này.


Vẫn còn quá sớm để dự đoán sự phát hiện các mỏ tài nguyên khổng lồ sẽ dẫn tới đâu, nhưng nó sẽ không tác động nhiều tới các chiến dịch hiện nay của NATO ở Afghanistan. Ai cũng biết quốc gia này được trời phú cho nhiều loại khoáng sản khác nhau. Mới năm ngoái, Trung Quốc đã bắt đầu đào bới ở tỉnh Logar để tiến hành khai thác trữ lượng 240 triệu tấn quặng đồng. Tuy nhiên, hầu hết các mỏ khoáng sản ở Afghanistan vẫn còn nằm yên dưới lòng đất, một phần là do chiến tranh liên miên. Địa hình trắc trở, cơ sở hạ tầng yếu kém, phương pháp sơ khai và công nghệ lạc hậu càng khiến việc khai thác gặp khó khăn.


Bạo lực đã trở thành chuyện cơm bữa ở  Afghanistan trong nhiều năm qua
Bạo lực đã trở thành chuyện cơm bữa ở Afghanistan trong nhiều năm qua

Điểm tích cực của các hạn chế nói trên là Taliban và các lực lượng độc tài ở Afghanistan cũng không khai thác được các mỏ tài nguyên ở đây. Đối với dự án có sự tham gia của Trung Quốc, những lợi ích tích cực - nếu có được - còn nằm ở xa trong tương lai. Mặc dù có thể đóng vai trò tích cực cho một nền hòa bình tồn tại lâu dài, các mỏ tài nguyên không giúp chấm dứt những cuộc xung đột chính trị giữa lực lượng nổi dậy và chính phủ ở Afghanistan.


Cuối cùng, việc phát hiện kho báu tài nguyên ở Afghanistan chỉ là một lời nhắc nhở nữa rằng một tương lai tốt đẹp hơn chỉ có thể tồn tại nếu nhà nước bị chia rẽ này có thể đoàn kết lại. Sự đoàn kết đó chỉ có thể có được thông qua một tiến trình chính trị và tại thời điểm này nó vẫn chưa xuất hiện. Tiến trình đó sẽ không thể xuất hiện nếu các mỏ khoáng sản trở thành một nhân tố nữa kéo dài cuộc chiến vô tận ở Afghanistan.



Theo TG


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Girls Generation - Korean