Chủ Nhật, 17 tháng 10, 2010

Thương về miền Trung mùa lũ

Mưa lớn liên tục đã làm cho hàng ngàn nhà dân các huyện, thị, thành phố của Nghệ An chìm trong biển nước. Mưa vẫn không có dấu hiệu ngừng lại mà càng lúc càng to hơn.

Ngay từ tối 14/10 mưa rả rích trên các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu và thành phố Vinh đã khiến nhiều nơi nước dâng cao. Đến sáng 17, các địa phương dọc sông Lam và các huyện lân cận đã ngập trong biển nước. Lượng mưa đo được tại Nghệ An phổ biến từ 150-300mm, tại Thành phố Vinh tới 600mm.

Mưa vẫn không có dấu hiệu ngừng lại mà càng lúc càng to hơn, mây đen kéo kịt trời, sấm chớp liên hồi. Càng về đêm mưa càng nặng hạt, nhiều nơi mưa to đến rất to. Mưa lớn kéo dài, nước từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước tại sông Lam, sông Hiếu... bắt đầu dâng mạnh, nhiều điểm vượt báo động 1, báo động 2. Nhiều khu vực hạ lưu bắt đầu ngập nước từ tối qua và đến sáng nay nhiều nơi đã ngập gần 1m.

Tại thành phố Vinh, mưa lớn liên tục và kéo dài khiến những con đường rộng thênh thang, mới được nâng cấp như Minh Khai, Lê Hồng Phong, Phong Đình Cảng, Trường Chinh.... biến thành sông. Nhiều tuyến phố nước dâng cao từ 0,5 - 1m như Minh Khai, Đinh Công Tráng, Đặng Thái Thân... Các tuyến phố ngập sâu trong nước khiến hàng trăm phương tiện xe máy bị chết phải dắt bộ. Xung quanh khu vực chợ Vinh nước cũng ngập đến nửa mét khiến hàng trăm tiểu thương không có chỗ ngồi phải tràn ra cả lòng đường để buôn bán.

Nước ngập gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông nội thành. Nguy cơ tai nạn giao thông luôn rình rập người đi đường.

Tại các xã dọc sông Lam thuộc địa phận huyện Hưng Nguyên nước dâng lên nhanh chóng, các huyện ven biển đã bị ngập. Hiện tại xã Hưng Nhân, xã Hưng Yên Nam, Hưng Trung (huyện Hưng Nguyên), xã Nam Phúc, Nam Kim (huyện Nam Đàn), xã Nghi Xá, Nghi Trường (huyện Nghi Lộc) và một số xóm của các xã Diễn Phú, Diễn Lộc đã bị cô lập.

Tại các địa phương khác nhiều làng mạc cũng ngập hơn 1m trong nước lũ, càng về trưa nước càng dâng cao hơn. Hiện tại các tuyến đường liên xóm, liên xã không thể đi lại, phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân là thuyền.

Tại các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Hưng Nguyên, Nam Đàn... hàng nghìn ha rau màu, ngô vụ đông ngập sâu trong nước và có nguy cơ bị hư hại nặng. Tại các đầm tôm, ao hồ nước đã tràn bờ. Mặc dù người dân đã đóng cọc chăng lưới để bảo vệ nhưng nếu tiếp tục mưa lớn như hiện nay thì nguy cơ mất trắng hàng ngàn tấn thủy sản đang hiện ra trước mắt.

Theo Thông tin từ văn phòng Ban phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An, tính đến trưa ngày 17/10 Nghệ An có 5 người chết, trong đó huyện Nghi Lộc có 3 người (2 người ở xã Nghi Xá, 1 người ở xã Nghi Trường), huyện Thanh Chương 2 người. Toàn tỉnh có 4.363 ha lúa bị ngập, 14.817 ha ngô vụ đông, 1.192 ha lạc, 2.265ha khoai lang 4.806 ha rau màu bị hư hỏng nặng, 3.970 ha thủy sản bị ngập có nguy cơ tràn bờ bao. Thiệt hại ước tính lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Hiện tại, nhân dân Nghệ An đang gồng mình chống cơn lũ được đánh giá là lên nhanh và mạnh nhất trong lịch sử mấy chục năm trở lại đây. Chính quyền các địa phương đã tổ chức lực lượng bám dân, bám địa bàn để đưa ra phương án tối ưu nhất nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do cơn lũ này gây ra.

Một số hình ảnh về lũ tại Nghệ An:
Thành phố Vinh ngập trong nước
Nước ngập mênh mông khắp các địa bàn trong tỉnh
Đắp bờ, đóng cọc chăng lưới để bảo vệ ao cá

Trường học chìm trong lũ (ảnh: Nguyễn Duy)

Theo báo cáo ban đầu từ Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TƯ mưa lũ đã làm 1 người chết, 1 người mất tích tại Hà Tĩnh; Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có 1 người mất tích. Nước lũ khiến Quốc lộ 1A, 15A, đường Hồ Chí Minh, các tuyến đường tỉnh lộ, giao thông nông thôn của Hà Tĩnh bị ngập sâu, có chỗ lên đến 2,5m, gây ách tắc giao thông.

Tại Quốc lộ 15, đường Hồ Chí Minh nhánh đông và các tuyến đường tỉnh lộ của Quảng Bình có nhiều đoạn bị ngập sâu từ 0,5- 2,0m; đường sắt Bắc Nam bị sạt lở gây tắc đường. Tuy nhiên, đến 17h ngày hôm qua (16/10) tình trạng đã được khắc phục.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCLB Nghệ An, đến cuối ngày 16/10 đa số nhà dân khu vực ven thành phố Vinh bị ngập từ 0,2 - 1,5m.

Tại Hà Tĩnh, tổng số 143 xã của 12 huyện, thị trong Tỉnh cũng bị ngập, lụt; trong đó 3 huyện, thị tất cả các xã đều bị ngập (Hương Khê: 22/22 xã; Vũ Quang: 12/12 xã; thành phố Hà Tĩnh: 16/16 xã).

Tỉnh Quảng Bình, 13.792 nhà dân thuộc huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Lệ Thủy, Quảng Ninh cũng chìm trong nước lũ.

Mưa lũ kỷ lục đã làm hồ thủy lợi Khe Mơ xã Hàm Sơn, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, dung tích 700.000 m3 bị vỡ đập chính. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Công Thương cho đến thời điểm này các hồ Thủy điện từ Nghệ An đến Quảng Trị vẫn trong điều kiện đảm bảo.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, các địa phương đang khẩn trương tiếp tục công tác sơ tán dân và cứu hộ.

Người dân ở Hương Khê - Hà Tĩnh không kịp mang theo tài sản chạy lũ, tất cả bị cuốn trôi theo dòng nước hung dữ

Tỉnh Hà Tĩnh báo cáo tính đến 19h tối qua đã sơ tán đến nơi an toàn được 21.738 người: huy động 14 xuồng cao tốc, 500 cán bộ, chiến sỹ cùng hàng ngàn lực lượng dân quân tự vệ tại chỗ tổ chức ứng trực, sơ tán dân ra khỏi vùng ngập sâu an toàn.

Cũng theo cơ quan chức năng 5 tấn mỳ tôm đa được huy động, cùng một số nước uống cơ động lên địa bàn Hương Khê; 15 tỷ đồng và 1.000 tấn gạo đã được xuất kho để hỗ trợ các huyện mua lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu cứu trợ nhân dân vùng lũ.

Tỉnh Quảng Bình tính đến 22h tối qua đã sơ tán đến nơi an toàn 12.501 người. Tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo, tính đến 16h hôm qua đã chuyển 2.000 phao cứu sinh, 1.500 phao tròn, 15 nhà bạt, 15 phao bè loại nhẹ cho huyện Hương Thủy, thành phố Huế...

Có mặt tại hai huyện Hương Sơn và Đức Thọ (Hà Tĩnh) trong ngày 17/10, ghi nhận của phóng viên, hầu hết các địa phương ven quốc lộ 8 đã đưa trâu, bò, lợn, gà và tài sản lên đường tránh lũ. Hàng trăm gia đình tài sản đã đi theo ra biển, hàng ngàn ngôi nhà chìm đắm trong lũ dữ.

Tại huyện Hương Sơn ngay trong sáng 17/10, lược lượng tìm kiếm cứu nạn đã tìm được thi thể ông Hồ Đình Ngự - Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Hàm (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), nâng tổng số người chết trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh lên 2 người.

Trong khi đó, ghi nhận dọc sông Ngàn Phố cho thấy nước thượng nguồn đanh đổ về nhanh, lũ chưa có dấu hiệu giảm. Trên địa bàn huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) có 20/32 xã bị ngập sâu, cô lập hoàn toàn trong biển nước mênh mông. Hàng chục ngàn gia đình đang sống trên núi, trên chạn (sàn nhà), trên bè nổi và trên ven đường quốc lộ 8.

Theo báo cáo mới nhất từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Hương Sơn lúc 13 giờ ngày 17/10, trên địa bàn huyện có mưa vừa đến mưa to; lượng mưa đo được từ 19 giờ ngày 13/9 đến 10 giờ ngày 17/10/2010 là 532,8 mm.






Quốc lộ 8 đoạn qua xã Sơn Long, Hương Sơn bị sạt lở vì nước tràn quá lớn


Nước xoáy tại thị tứ Nầm

Nhiều nhà dân ở Đức Thọ không có thuyển phải dùng thân chuối làm bè kết nối về nhà

Quốc lộ 8 ngập sâu từ 50-70cm....


Đám tang trong lũ tại huyện Hương Sơn

Thành phố Hà Tĩnh, mưa liên tục trong 3 ngày 15, 16, 17/10/2010 với lượng mưa gần 878mm đã biến cả thành phố Hà Tĩnh mênh mông trong biển nước. 2/3 hộ dân ở đây đang chịu cảnh “sống chung với lũ”.
Các tuyến đường trong thành phố ngập nước (ảnh: Duy Thảo- Cao Cường)

Ông Trần Thế Dũng, Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban phòng chống bão lụt thành phố Hà Tĩnh cho biết, cả thành phố đã có gần 10.000/22.000 hộ dân đã bị ngập sâu từ 0,8-1m. Hầu hết các tuyến đường đều bị nước lũ khống chế làm tê liệt giao thông.

Sơ bộ bước đầu mưa lũ đã gây thiệt hại cho sản xuất vụ đông với 60ha ngô, 90ha rau, 150ha khoai lang bị cuốn trôi, dìm sâu dài ngày. Việc nuôi trồng thuỷ sản cũng ảnh hưởng nặng nề, thiệt hại hơn 140ha cá nước lợ và nước ngọt. Sáng nay đã có 1 người dân đi đánh cá bị nước lũ cuốn trôi

*Bão cấp 17 hoành hành trên biển Đông

Tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ cho biết, hiện nay trên khu vực vùng biển phía Đông đảo Lu Dông (Philippin), một cơn bão rất mạnh đang hoạt động và có tên quốc tế là Megi.

Hồi 7h sáng nay (17/10) vị trí tâm bão Megi ở vào khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc; 127,5 độ Kinh Đông, cách đảo Lu Dông (Philippin) khoảng 580 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần bão mạnh cấp 17, trên cấp 17.

Đường đi sáng nay của siêu bão Megi. (Ảnh: NCHMF)

Theo cơ quan khí tượng, chiều tối và đêm ngày 18/8 bão Megi sẽ đi vào khu vực phía Đông của Biển Đông. Đến 07 giờ ngày 19/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc; 118,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 660km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (tức là từ 150 đến 166 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.

Do ảnh hưởng của bão, gần sáng và ngày mai (18/10) vùng biển phía Đông khu vực Bắc biển Đông gió sẽ mạnh dần lên cấp 9, cấp 10, sau tăng lên cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 14, cấp 15, giật cấp 17. Biển động dữ dội.


Tổng hơp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Girls Generation - Korean