Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2010

10 lưu ý khi chụp ảnh trẻ em


Hoạt động liên tục và không tuân theo bất kỳ một sự “chỉ đạo” nào, khi trở thành “người mẫu” trước ống kính máy ảnh, trẻ em luôn là đề tài khó nhằn với những nhiếp ảnh gia không chuyên. Với những ông bố, bà mẹ trở thành “phó nháy” bất đắc dĩ khi chưa có nhiều kinh nghiệm cầm máy ảnh, điều này còn khó khăn gấp bội phần.


Dưới đây là một số hướng dẫn hữu ích khi chụp ảnh trẻ em:

Trẻ em “ăn ảnh” nhất khi chúng cười. Hãy làm cho trẻ cười bằng những cử chỉ hài hước, những câu nói vui hoặc bày ra trò chơi… Những hành động này cũng làm cho trẻ cảm thấy gần gũi và tự nhiên hơn trước ống kính máy ảnh.

Hãy luôn chiều theo tâm trạng của trẻ. Nếu trẻ còn e ngại và chưa muốn chụp thì tuyệt đối không chụp mà hãy để chúng thư giãn. Sau khi chụp được kiểu đầu tiên, hãy cho trẻ xem ảnh qua màn hình LCD (nếu dùng máy số), điều đó có thể khiến trẻ thích thú hơn. Nếu trẻ không muốn bị sắp đặt thì hãy để chúng “diễn” tự nhiên.

Có đôi mắt nào lại to tròn, ngây thơ và xoáy vào lòng người như mắt trẻ em?. Đôi mắt luôn là tiêu điểm của mọi bức ảnh chân dung, và điều này lại càng đúng khi chụp ảnh trẻ em. Hãy tập trung vào đôi mắt trẻ em trong mọi tình huống có thể.

Trẻ em rất hiếu động. Để “bắt gọn” những khoảnh khắc hành động của chúng, tốc độ chụp cao của máy ảnh là điều rất quan trọng. Đối với máy ảnh có thể thay đổi ống kính, nên lựa chọn những ống kính có khẩu độ lớn, sử dụng đèn flash hoặc tăng dải nhạy sáng (ISO)… Với máy ảnh du lịch, nên đặt chế độ chụp ảnh thể thao (Sport) để những bức ảnh được chụp với tốc độ cao nhất.

Các “đạo cụ” như búp bê, gấu bông cho bé gái hay ô tô, tàu hỏa đồ chơi cho bé trai sẽ giúp trẻ thoái mái hơn trước ống kính, cũng như làm tăng thêm sự sinh động cho bức ảnh. Nếu chụp tại nhà của trẻ, nên cho trẻ chơi những món đồ chơi ưa thích của chúng.

Việc luôn luôn thay đổi góc chụp để mô tả các khía cạnh khác nhau của trẻ là cần thiết. Có thể chụp từ xa đến gần, từ ống kính tele cho đến góc rộng, thậm chí là chụp bằng ống kính mắt cá.

Sắc thái biểu cảm trên khuôn mặt cũng như tư thế hành động của trẻ em thay đổi không ngừng, người chụp ảnh nhiều khi không thể quan sát kịp. Bởi vậy, hãy chụp thật nhiều, thà chụp thừa còn hơn bỏ sót những khoảnh khắc độc đáo của trẻ.

Khi chụp ảnh trẻ em, nên hạn chế chụp từ trên cao xuống. Hãy cúi thấp người, thậm chí là “lăn lê bò toài” cùng với trẻ để có được một góc nhìn tương tự với góc nhìn của trẻ em về thế giới của chúng.

Sự tương tác giữa trẻ em và bố mẹ của chúng cũng là một khía cạnh có thể khai thác để tạo ra những bức ảnh giàu ý nghĩa. Tuy nhiên, cần tránh việc đặt người lớn vào trung tâm của khung hình.

Việc chụp trẻ em theo nhóm (từ 2 trẻ trở lên) cũng tuân theo các hướng dẫn trên. Điểm khác biệt lớn nhất là khi chụp nhóm, cần nhấn mạnh được sự giao tiếp giữa trẻ với nhau.

Theo Đất Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Girls Generation - Korean