Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2010

IBM và mô hình doanh nghiệp mới

Theo các nhà phân tích, IBM là ví dụ sáng chói về một loại hình doanh nghiệp mới: tập đoàn toàn cầu thời hậu đa quốc gia (the postmutinational global corporation).

http://vietnambranding.com/news/img4/1221528989_080322-IBM1.jpg

Ngay từ ngày đầu thành lập, năm 1924, tập đoàn IBM (Mỹ) đã muốn bán sản phẩm ra khắp thế giới nên mới lấy cái tên đầy khát vọng là Tập đoàn Máy Kinh doanh Quốc tế (International Business Machines Corporation). Và trong nhiều thập niên qua, IBM là một công ty đa quốc gia có gốc rễ sâu ở các thị trường ngoài nước Mỹ, chủ yếu là ở các nước phát triển tại châu Âu và Nhật Bản. Ngày nay, chiến lược toàn cầu đã giúp tập đoàn này hoạt động ổn định trong thời suy thoái kinh tế.

Ổn định trong suy thoái

Trọng tâm thời hậu đa quốc gia của các tập đoàn Mỹ đã chuyển dịch ra ngoài nước Mỹ, không chỉ về phương diện doanh số mà cả về chiến lược lẫn các hoạt động chính. IBM chẳng hạn, làm ra hai phần ba doanh thu ở các thị trường nước ngoài. Theo báo cáo của tập đoàn, doanh số tại các thị trường mới và tăng trưởng mạnh như Trung Quốc, Ấn Độ, cả ở những thị trường nhỏ như Việt Nam, Cộng hòa Czech và Philippines, đã tăng 20% trong quý đầu năm nay. Chiến lược toàn cầu linh hoạt của IBM đã giúp tập đoàn duy trì được lợi nhuận khi các doanh nghiệp khác bị khủng hoảng. Nhờ chú trọng nhiều vào phần mềm và dịch vụ rồi chuyển dần ra khỏi việc sản xuất phần cứng, kết quả kinh doanh của IBM tránh được sự lên xuống theo chu kỳ mà các công ty công nghệ khác gặp phải.

Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa là việc kinh doanh của IBM không thể tăng nhanh đột ngột như một số tập đoàn khác, Intel chẳng hạn. Khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục, quý 1 năm nay, Intel cho biết doanh số đạt 22,86 tỉ USD, thu nhập ròng tăng 13%, lên mức 2,6 tỉ USD, tương đương mỗi cổ phiếu có lãi 1,97 USD.

Trong vài năm qua, xu thế vươn ra thị trường quốc tế đã trở nên rõ ràng trong các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ như Hewlett-Packard (HP), Intel, Cisco, Oracle, Apple và Microsoft. Ngay cả Google, một công ty trẻ tuổi và đa ngành - vừa hoạt động công nghệ vừa kiếm tiền từ việc bán quảng cáo, tuần trước cũng nói rằng hoạt động kinh doanh ở nước ngoài tăng vọt đã mang về cho công ty 53% doanh số.

IBM là ví dụ sáng chói về một loại hình doanh nghiệp mới: tập đoàn toàn cầu thời hậu đa quốc gia

Lợi thế của công nghệ mới

Trong thời suy thoái, các công ty công nghệ tỏ ra vững vàng hơn doanh nghiệp các ngành khác bởi vì họ sản xuất ra những công cụ có thể hoạt động trên toàn cầu một cách dễ dàng - đó là các mạng viễn thông tốc độ cao, các phần mềm thông minh và các loại máy tính mạnh có giá cả hợp lý. Đây cũng là ngành dễ điều chỉnh để khai thác những thuận lợi của công cuộc toàn cầu hóa.

Truyền thông Internet có nghĩa là người lao động lành nghề ở khắp nơi trên thế giới đều có thể là công nhân tiềm năng, chi phí sản xuất có thể sẽ hạ xuống. Phần mềm máy tính, về bản chất, là một loại sản phẩm dễ dàng được phân phối rộng rãi trên khắp thế giới. Phần cứng máy tính cũng là loại sản phẩm “nhẹ cân” so với giá trị của chúng. Máy vi tính và các linh kiện của nó có thể được gửi bằng đường hàng không đến bất kỳ nơi nào có nhu cầu. Intel chẳng hạn, sản xuất 65% sản phẩm ở Mỹ nhưng 82% được tiêu thụ ngoài nước Mỹ.

IBM sở dĩ vươn lên hàng đầu của mô hình tập đoàn thời hậu đa quốc gia, theo các nhà phân tích, là nhờ đã toàn cầu hóa hoạt động của mình dựa vào các lợi thế nói trên của sản phẩm công nghệ. Mô hình kinh doanh đa quốc gia kiểu cũ kết hợp việc kiểm soát chặt chẽ từ đại bản doanh của tập đoàn tại Mỹ tới hàng loạt công ty riêng rẽ ở nước ngoài, mỗi công ty ở một thị trường khác nhau. Nói chung, việc kinh doanh ở mỗi nước do bộ máy nhân sự ở nước đó thực hiện, bao gồm cả nhân viên tài chính, kế toán, nhân lực, mua sắm và các hoạt động khác.

Thay đổi mô hình

Nhưng trong vài năm qua, tổng giám đốc điều hành của IBM, ông Samuel J. Palmisano, đã thay đổi mô hình đó bằng cách lập ra những trung tâm chuyên môn toàn cầu nằm ở những quốc gia khác nhau nhưng có trách nhiệm với toàn tập đoàn và giảm dần vai trò kiểm soát của đại bản doanh IBM tại Mỹ. Ví dụ, trung tâm mua sắm toàn cầu của IBM đặt tại Trung Quốc, các nhiệm vụ về nhân lực như xử lý các báo cáo về chi tiêu được thực hiện ở Philippines còn việc xử lý tài chính - hậu cần được tiến hành tại Brazil. Sản xuất toàn cầu cũng được tổ chức tốt. Phần lớn những gì IBM đã làm đều nằm trong lĩnh vực phần mềm và dịch vụ - hai lĩnh vực này hợp lại đem về cho tập đoàn 80% doanh số. Đây cũng là hai lĩnh vực liên quan tới việc tổ chức công việc của hàng trăm ngàn nhân viên lành nghề.

Sự bành trướng của IBM ở Ấn Độ là một ví dụ điển hình cho xu hướng đó. IBM đẩy mạnh hoạt động ở Ấn Độ một phần nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường địa phương, phần khác nhằm khai thác nguồn kỹ sư đông đúc và giá rẻ của nước này - những người sẽ phát triển sản phẩm phần mềm và xử lý việc bảo trì cho các dự án của IBM trên toàn cầu.

Nhưng Ấn Độ cũng chỉ là một trong số những nguồn nhân lực phần mềm của IBM. Ngày nay tập đoàn IBM có tới 86 trung tâm phát triển phần mềm trên khắp thế giới, tăng từ con số 25 trung tâm năm 2001. Năm ngoái, IBM đã mở những trung tâm đặc biệt chuyên về phần mềm thông tin doanh nghiệp và phân tích hoạt động trong các lĩnh vực tài chính, năng lượng, giao thông vận tải, quản lý nguồn nước và chăm sóc y tế… đặt ở những địa điểm rất xa nhau như New York, Berline, Bắc Kinh, Dublin, Melbourne và Đài Bắc.

Theo các nhà phân tích, công nghệ hiện đại cho phép phân bổ các mảng công việc ra khắp thế giới, tìm kiếm tài năng và hạ chi phí sản xuất. “Và IBM đặc biệt xông xáo trong việc chuyển sang mô hình sản xuất và phân phối toàn cầu này” - giáo sư David B. Yoffie, trường Kinh doanh Harvard (Mỹ) nhận xét.

Thách thức về quản lý

Nhưng mô hình toàn cầu hóa kiểu mới mà IBM đang theo đuổi cũng có những khó khăn cho công tác quản lý. Một sự thay đổi mạnh trong văn hóa công ty sẽ gây rối loạn cho hàng ngàn công nhân. Để bắt kịp những sự thay đổi về nhu cầu tài năng và để giảm giá thành chẳng hạn, IBM phải thực hiện một chiến lược “thất đức”: thường xuyên tuyển dụng nhân viên cho loại công việc này và sa thải nhân viên ở loại công việc khác. Trong mấy năm gần đây, IBM đã dành ra mỗi năm khoảng 400 triệu USD để thanh toán tiền trợ cấp thôi việc và các chi phí khác để cắt giảm mỗi năm khoảng 8.000 nhân viên.

Phần lớn sự sa thải này xảy ra ở các nền kinh tế phát triển và có thu nhập cao như Mỹ. Tại Mỹ, đến cuối năm 2009, IBM vẫn sử dụng khoảng 105.000 nhân viên trong tổng số 339.000 nhân viên của tập đoàn trên toàn cầu, tăng 21% so với 5 năm về trước. Nhưng lực lượng lao động của IBM tại Mỹ đã giảm hơn 10.000 người kể từ cuối năm 2008.

Doanhnhan


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Girls Generation - Korean