Nhãn lồng Hưng Yên chưa vào chính vụ nhưng trên thị trường đã bán tràn lan loại đặc sản này. Tuy nhiên, phần lớn là nhãn giả danh có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Chị Thanh Huyền nhà ở Triều Khúc (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Hôm qua thấy người bán hàng rong nhãn quả to, tưởng là nhãn quê gốc Hưng Yên nên mua mấy cân. Về nhà ăn mới thấy không ngọt thơm như nhãn lồng. Năm nào cũng mua nhiều mà vẫn bị nhầm”.Hiện nay trên thị trường có nhãn miền nam, nhãn rừng (Hòa Bình, Sơn La), nhãn Trung Quốc, và nhãn lồng Hưng Yên. Nếu chỉ nhìn bên ngoài người tiêu dùng khó mà phân biệt được đâu là loại nhãn lồng Hưng Yên chính hiệu. Các chủ buôn và người bán lẻ thì luôn khẳng định chắc chắn rằng mình bán nhãn lồng Hưng Yên chính hiệu với giá khoảng 30.000-40.000 đồng một kg.
Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, nhãn Hưng Yên mới chớm vụ nên chưa thể có nhiều nhãn bán tràn lan trên thị trường trong những ngày gần đây. Khoái Châu là huyện trồng nhãn lồng ngon và có sản lượng lớn của tỉnh Hưng Yên cũng chưa vào chính vụ.
Nhãn lồng Hưng Yên có lá và cuống tươi hơn. Ảnh minh họa: Phạm Thủy. Ông Phạm Văn Chép, chủ vườn nhãn tại xã Hàm Tử, Khoái Châu cho biết: “Mới chỉ một số vườn có ít nhãn sớm để bán thôi, chưa có nhiều để bán tràn ngập ngoài chợ”. Ông này cũng cho biết, hàng thường do các chủ buôn tới gốc cắt và giá đã khoảng 27.000 – 30.000 đồng một kg, bán tại các shop hoa quả lớn hoặc khách sạn giá phải từ 50.000 đồng trở lên chứ không thể rẻ như giá ngoài chợ hiện nay.
Anh Đỗ Hợi ở Đông Kết – Khoái Châu, người có kinh nghiệm buôn nhãn nhiều năm nói thêm, khoảng 15-20 ngày nữa mới có hàng nhiều. Nhãn bán trên chợ phần lớn là nhập từ Trung Quốc, nhưng người bán vẫn rao là nhãn Hưng Yên.
Nhìn vẻ ngoài, nhãn nhập khẩu từ Trung Quốc có nhiều điểm giống nhãn Hưng Yên. Nếu không được nếm thử hoặc người mua không tinh ý thì rất dễ bị nhầm lẫn. Nhãn Trung Quốc do phải vận chuyển xa nên phải dùng chất bảo quản, mã sáng, nhạt màu, vỏ mỏng hơn. Vì vậy, nhãn chỉ tươi trong một thời gian ngắn, sau đó sẽ thâm lại và có những biểu hiện thối hỏng. Còn nhãn quê vỏ hơi dầy, gai, mã vàng sậm hơn, để được lâu hơn, cùi khô nhưng khi nhãn vào nước thì ngọt sắt, chị Nguyễn Thị Nga bán nhãn nhiều năm chia sẻ kinh nghiệm.
Người mua cũng có thể phân biệt lá nhãn Trung Quốc to, dày hơn lá nhãn Hưng Yên. Nhãn lồng thường được vận chuyển và tiêu thụ ngay sau khi thu hoạch nên cuống và lá tươi hơn. Khi bóc, vỏ nhãn Trung Quốc mỏng hơn, cùi có vẻ dầy nhưng ăn không ngọt và thơm như nhãn quê, chị này cho biết thêm.
Cô Hoa nhà ở phố Cát Linh (Hà Nội) cho biết kinh nghiệm lựa chọn loại quả đặc sản này cho gia đình, muốn ăn nhãn lồng chính gốc thì đầu mùa nên mua nhãn tại quầy bán hoa quả quen. “Đến giữa mùa khi có nhiều nhãn quê hơn và các loại nhãn kia vãn đi mình mua ở chợ cũng được”, cô Hoa nói. Ngoài ra, việc phân biệt còn có thể căn cứ vào giá bán. Giá của nhãn lồng thường đắt hơn nhiều so với các loại nhãn khác trên thị trường.
Theo VnExpress
Tin tức công nghệ, khoa học kỹ thuật mới nhất tại Việt Nam & các nước trên thế giới. Cập nhật những bài viết về kinh nghiệm, thủ thuật, sản phẩm mới, tin công ...
Thứ Bảy, 24 tháng 7, 2010
'Nhãn lồng Hưng Yên' nhập khẩu từ Trung Quốc
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét